Trẻ em nghiện điện thoại di động là một thực trạng nhãn tiền trong thời công nghệ hiện đại. Tuy vậy nhiều người chưa ý thức được những nguyên nhân và hậu quả dẫn đến tình trạng đó, đồng nghĩa với việc chưa đưa ra được hướng giải quyết phù hợp. Hãy gỡ rối vấn đề trên bằng những thông tin hữu ích được chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân trẻ em nghiện điện thoại di động là gì?
Trẻ em không thể rời mắt, rời tay khỏi điện thoại di động bởi nó có quá nhiều ưu điểm đầy ma lực hấp dẫn. Các em sử dụng chúng để liên lạc và học tập thì nhìn chung không gây nên hiện trạng “nghiện”. Nhưng nếu sử dụng vì mục đích giải trí thì ngược lại. Tại sao vậy?
Có một thực tế rằng giá cổ phiếu cũng như lợi nhuận của các trang mạng xã hội, máy chủ tìm kiếm…đều dựa trên thời lượng người dùng sử dụng chúng. Về thời lượng đó, Snapchat đưa ra con số trung bình 40 phút một ngày, trong khi Youtube tự hào với con số lên đến 60 phút một ngày… Chính vì mục đích tăng lợi nhuận thông qua việc “lôi kéo” khách hàng không thể rời mắt khỏi màn hình của họ, các chuyên gia đã khiến cho bất kể người dùng nào cũng phải khuất phục. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ – lứa tuổi đang hình thành sự phát triển tâm sinh lý thì sức hấp dẫn này càng trở nên khó cưỡng hơn.
Một lý do nữa không thể lảng tránh, đó chính là ở trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Rất nhiều người có thói quen xấu là đưa cho con trẻ một chiếc điện thoại di động để đỡ phải bỏ thời gian trông nom chúng. Dần dần nó trở nên một dạng “ngựa tốt quen đường cũ”, trực tiếp tạo nên sở thích bất ly thân điện thoại của trẻ nhỏ.
Những hậu quả khi trẻ em nghiện điện thoại di động
Trẻ em nghiện điện thoại di động bị ảnh hưởng về sức khỏe
Những phân tích và nghiên cứu thực tế từ WHO – tổ chức y tế thế giới đã chỉ ra rằng: Nghiện điện thoại di động làm trẻ tăng nguy cơ béo phì lên tới hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55% so với cơ thể bình thường, các bệnh lý về mặt như cận thị, loạn thị cũng có con số đáng báo động tương tự. Vì thế ngồi trì trệ tại một chỗ, chỉ chăm chăm điện thoại mà không tham gia vào bất cứ hoạt động thể chất nào sẽ làm chất lượng sống của trẻ nhỏ giảm sút đáng kể.
Ngoài ra, điện thoại di động không hề sạch sẽ như mọi người vẫn lầm tưởng. Bề mặt smartphone hoặc bàn phím di động chứa hàng tỷ vi khuẩn độc hại. Bởi thực tế là điện thoại được mang đi khắp nơi, từ đường phố bụi bặm, các khu công nghiệp đến bệnh viện, thậm chí là người dùng mang cả vào nhà vệ sinh… nhưng không hề được lau sạch hàng ngày. Vì thế tiếp xúc quá nhiều với điện thoại sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ trở nên nhạy cảm, mỏng manh hơn rất nhiều.
Trẻ em nghiện điện thoại di động bị ảnh hưởng về tâm lý
Nhiều khi điện thoại còn đem lại những hậu quả đáng tiếc đến từ những trang mạng xã hội. Sức hấp dẫn quá lớn của tiện ích giải trí sẽ làm các em mất tập trung vào những công việc khác quan trọng không kém là học tập, vui chơi giải trí, tìm hiểu nghệ thuật…
Trẻ nhỏ bị nghiện điện thoại di động dần dần sẽ trở nên xa cách hơn với cuộc sống vốn có, mà chúng nên phải có. Người ta gọi đó là những đứa trẻ thiếu một phần tuổi thơ. Bởi khi mà cứ chăm chăm vào điện thoại, trẻ không còn để tâm đến những đối nhân xử thế với gia đình, bè bạn. Mối quan hệ tốt đẹp do vậy cũng phần nào rạn nứt và trở nên khô cứng. Sau này lớn lên, trẻ sẽ mang thói quen đó suốt cuộc đời, nếu không được giáo dục sớm thì nó rất dễ để trở thành tính trầm, mặc cảm, rụt rè và cô độc trong tương lai.
Nhiều vấn đề nhạy cảm không được kiểm soát một cách triệt để trên điện thoại di động cũng làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ. Bạo lực, mại dâm, xúc phạm nhân cách người khác… đầy rẫy trên những trang web đen hay thi thoảng được chia sẻ trên mạng xã hội. Không ít sự việc đau lòng đã xảy đến với trẻ nhỏ khi chúng bắt chước những hành động, suy nghĩ này. Và đây chính là bài học cảnh tỉnh phụ huynh, cảnh tỉnh chính bản thân trẻ để đi đến hướng giải quyết phù hợp.
Gia đình, nhà trường và xã hội cần có những biện pháp với nguyên tắc sát đối tượng để phù hợp với từng trường hợp trẻ em nghiện điện thoại di động. Hãy giáo dục trẻ bằng sự yêu thương và nỗi lo nhân văn để các em ý thức được vấn đề mà mình đang mắc phải. Chúc các bạn thành công!