Với thị phần trung bình hơn 50 % trên toàn thế giới, hệ điều hành Android trở thành nền tảng điện thoại thông minh phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên ẩn sâu bên trong nó là những bí mật không phải ai cũng biết. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về Android.
Hệ điều hành Android là gì?
Android là hệ điều hành có mã nguồn mở dựa trên nền tảng Linux được thiết kế dành riêng cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Khởi điểm, Android được phát triển bởi Tổng công ty Android với sự hỗ trợ tài chính từ Google. Sau đó, Google đã mua lại vào năm 2005 và hệ điều hành Android chính thức ra mắt vào năm 2017. Chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android là HTC Dream (hay còn gọi là T-Mobile G1) đã được bán vào năm 2008.
Do mã nguồn mở cùng với giấy phép không có nhiều ràng buộc, các nhà phát triển thiết bị, mạng di động và các lập trình viên có thể điều chỉnh cũng như phân phối Android tự do theo ý muốn. Chính điều này đã giúp hệ điều hành Android trở thành nền tảng điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới.
Tính đến quý 2 năm 2017, Android chiếm tới 87,7% thị phần điện thoại thông minh trên toàn thế giới với 2 tỷ thiết bị đã được kích hoạt và đạt 1,3 triệu lượt kích hoạt mỗi ngày. Hiện nay, con số này đã giảm xuống do sự ảnh hưởng của iOS từ Apple, tuy nhiên Android vẫn dẫn đầu thị phần.
Những ưu điểm nổi trội của hệ điều hành Android
Thiết bị phong phú
Không giống như hệ điều hành iOS, BlackBerry hay Windows Phone, Android được sử dụng phổ biến trên nhiều dòng điện thoại khác nhau. Nhờ tính năng mở, hàng loạt thương hiệu tên tuổi như HTC, Samsung, Oppo, Sony, LG, Huawei, ZTE… đều chọn Android là hệ điều hành hoàn hảo cho thiết bị của mình.
Điều đặc biệt là hệ điều hành Android rất linh hoạt với từng dòng máy và từng dòng sản phẩm. Không gò bó ở một giao diện duy nhất, mỗi hãng có thể tùy ý thiết kế giao diện Android theo sở thích của mình. Trước khi các nhà sản xuất cài đặt hệ điều hành Android trên thiết bị của mình, họ có thể điều chỉnh và bổ sung nhiều thứ, từ giao diện đến những tính năng thông minh, tiện lợi khác để phân biệt với các hãng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, bản chất mở và cho phép thay đổi cũng giúp Android có mặt trên nhiều thiết bị khác nhau như laptop, netbook, smart book, smart tivi, máy ảnh kỹ thuật số… Hơn nữa, hệ điều hành Android còn được ứng dụng trong đồng hồ đeo tay, kính mắt thông minh, tai nghe, máy nghe nhạc bỏ túi, điện thoại để bàn, máy chơi game, xe hơi…
Giá cả hợp lý
Mức giá của một thiết bị là vấn đề hàng đầu người dùng quan tâm đến. Với các thiết bị Android, không bao giờ thiếu những lựa chọn dành cho bạn. Từ những thiết bị bình dân hợp túi tiền đến những thiết bị cao cấp cùng vô số tính năng hữu ích, với mức giá dao động từ 1 – 20 triệu đồng, việc sở hữu một thiết bị Android sẽ không quá khó khăn.
Trên thị trường hiện nay, rất nhiều hãng điện tử như Samsung, Oppo, Sony, LG, Huawei… tung ra hàng loạt sản phẩm đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng với mức giá khác nhau. Vì vậy, người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn so với các thiết bị sử dụng hệ điều hành khác.
Kho ứng dụng đồ sộ
Một ưu điểm không thể không kể tới của hệ điều hành Android là kho ứng dụng đồ sộ trên Google Play Store. Đến nay, kho ứng dụng Google Play đã đạt đến hơn 650.000 ứng dụng, trong đó có rất nhiều ứng dụng miễn phí và vô cùng tiện dụng. Đó cũng là lý do vì sao hệ điều hành Android phát triển chóng mặt và chiếm vị thế áp đảo trong thế giới di động. Nếu bạn sử dụng một thiết bị Android, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng “thiếu ứng dụng để cài”, mà “không đủ bộ nhớ để cài” mới là vấn đề bạn cần bận tâm.
Dễ sử dụng
Mặc dù đây là ý kiến chủ quan của một số người, nhưng vì Android quá phổ biến trên các thiết bị di động nên chắc hẳn bạn sẽ không cảm thấy lạ lẫm gì với nó, trái lại còn thấy dễ sử dụng hơn các hệ điều hành khác.
Khi dùng các thiết bị Android, bạn sẽ có 2 môi trường để làm việc, bao gồm: màn hình chính (HomeScreen) và menu chính. Với màn hình chính, bạn có thể thỏa sức bố trí theo sở thích của mình. Bạn có thể tùy ý kéo thả những icon, Widget, đồng hồ, thời tiết, tin tức, bản đồ … hay bất cứ thứ gì để ra ngoài màn hình chính. Trong khi đó menu chính thì có đầy đủ những thứ bạn cần như: điện thoại, nhắn tin, nghe nhạc, chụp hình…
Cách cập nhật phiên bản mới cho hệ điều hành Android
Trong quá trình sử dụng Android, bạn đừng quên cập nhật phiên bản mới cho thiết bị của mình. Việc cập nhật không chỉ giúp cải thiện tính ổn định mà còn sửa một số lỗi cơ bản của hệ thống, nâng cao tính năng và cải thiện hiệu suất hoạt động cho thiết bị của bạn. Mặc dù các dòng điện thoại sử dụng nền tảng Android có giao diện cài đặt khác nhau, tuy nhiên sự khác biệt không nhiều. Bạn vẫn có thể áp dụng tương tự như những dòng điện thoại khác.
Để nâng cấp Android, bạn hãy làm theo các bước sau đây:
Bước 1:
Kiểm tra hệ điều hành Android trên thiết bị của bạn là phiên bản nào. Bạn vào Cài đặt, kéo xuống dưới cùng chọn Thông tin thiết bị. Tại mục Phiên bản Android, bạn sẽ thấy hiển thị phiên bản hệ điều hành hiện tại đang dùng.
Bước 2:
Sao lưu lại dữ liệu quan trọng như danh bạ, địa chỉ email, hình ảnh… trước khi cập nhật. Mặc dù quá trình cập nhật không ảnh hưởng nhưng tốt nhất bạn vẫn nên tiến hành sao lưu để tránh những rủi ro không mong muốn.
Bước 3:
Bạn vào lại Cài đặt, kéo xuống dưới cùng chọn Thông tin thiết bị. Sau khi cửa sổ Thông tin thiết bị xuất hiện, bạn nhấn vào Cập nhật phần mềm. Sau đó, nếu muốn tự động kiểm tra các bản cập nhật, bạn hãy nhấn vào Tự động cập nhật. Nếu chỉ tải về bản cập nhật khi có kết nối Wi-Fi thì tích vào ô Chỉ Wi-Fi. Tiếp theo nhấn vào Cập nhật ngay để kiểm tra cập nhật.
Bước 4:
Bạn hãy đợi một lát để hệ thống tải bản cập nhật phần mềm về thiết bị. Sau khi tải xong, nhấn vào Cài đặt để cài đặt bản cập nhật này vào máy ngay. Nhấn chọn vào ô Lịch trình cập nhật phần mềm nếu bạn muốn lên lịch cập nhật phần mềm.
Bước 5:
Khi có cửa sổ thông báo thiết bị của bạn sẽ khởi động lại và bắt đầu quá trình cài đặt, hãy nhấn OK để đồng ý. Bạn làm theo hướng dẫn, chờ cài đặt thành công và máy khởi động lại. Khi thấy xuất hiện cửa sổ thông báo thiết bị đã được cập nhật thành công thì nhấn vào OK để xác nhận.
Vậy là bạn đã cập nhật hệ điều hành Android thành công rồi. Hãy làm theo hướng dẫn để thiết bị của bạn được mượt mà hơn nhé. Trên thực tế, thế giới Android vẫn còn nhiều những bí mật mà chúng ta vẫn chưa khám phá hết được. Nếu bạn biết thêm điều gì thú vị, hãy chia sẻ với mọi người bằng cách để lại bình luận vào ô bên dưới nhé!